Chân dung người làm nên đế chế giá trị gấp 5 lần VinGroup, đe doạ Facebook, Youtube trên toàn cầu.

Khoảng 2 năm đổ lại đây, một ứng dụng mạng xã hội xuất thân từ Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới với cái tên TikTok. TikTok tập trung chủ yếu vào các video có độ dài từ 15 – 60 giây với nội dung đa dạng và sáng tạo đã thu hút rất nhiều người dùng, đa số là thuộc thế hệ Z. 

Để TikTok – một ứng dụng của Trung Quốc có thể lan tỏa rộng rãi như vậy (WeChat nổi tiếng nhưng chỉ phổ biến trong nội địa), cần có một đội ngũ đứng sau hậu thuẫn. Là ai đã sáng tạo ra ứng dụng nổi tiếng này, người “cha đẻ” này của TikTok có những tham vọng gì? 

Tiểu sử CEO Zhang Yiming và tập đoàn Byte Dance

CEO Zhang Yiming của công ty ByteDance

CEO Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) của ByteDance

Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) sinh năm 1983. Cái tên của anh dựa trên một câu ngạn ngữ của Trung Quốc mang ý nghĩa là làm mọi người ngạc nhiên ngay từ đầu. Năm 2005, Zhang tốt nghiệp Đại học Nankai ngành điện vi mô trước khi chuyển sang mảng kỹ sư phần mềm.

Sau khi ra trường, anh làm kỹ sư tại công ty chuyên đặt phòng du lịch qua mạng tên là Kuxun. Công việc này đã giúp anh tích lũy kỹ năng bán hàng và có ích cho việc phát triển ByteDance sau này. Anh cũng từng làm việc tại Microsoft trước khi thành lập ByteDance vào năm 2012.

5 tháng sau khi thành lập ByteDance, công ty đã ra mắt ứng dụng di động đầu tiên có tên gọi Toutiao (hay Today’s Headlines). Ứng dụng này tuyển chọn những tin tức phù hợp với sở thích cá nhân của người dùng. Ứng dụng có chức năng tương tự News Feed của Facebook. Mức độ phổ biến của ứng dụng này trên thị trường Trung Quốc tăng 65% từ năm 2010 đến năm 2014. Mỗi ngày có 120 triệu lượt người dùng ứng dụng này, trung bình mỗi người dành 74 phút/ngày để lướt đọc tin tức trên Toutiao.

Toutiao

Toutiao – Ứng dụng đọc tin tức tương tự News Feed của Facebook

Một điều rất đáng ngạc nhiên đó là, không như những công ty startup khác, Zhang đã xây dựng mọi thứ mà không cần nhờ vào sự đầu tư của hai gã khổng lồ Internet của Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Trên thực tế, ByteDance thường đụng độ với hai ông lớn trên nhiều mặt trận hoặc các vụ kiện. Và công ty startup này thành công hơn trong việc thu hút các độc giả trẻ ở nước ngoài.

Trong một buổi phỏng vấn, CEO của ByteDance khẳng định rằng công ty của anh không phải là bản sao của một công ty Mỹ nào cả, kể cả về công nghệ hay sản phẩm. ByteDance đang làm những công việc mang tính đột phá.

TikTok khiến các mạng xã hội lớn phải e ngại

Hai phiên bản của TikTok

TikTok phiên bản quốc tê (bên trái) và phiên bản Trung Quốc – Douyin (bên phải)

Năm 2016, ứng dụng Douyin ra đời. Ứng dụng này chính là TikTok phiên bản dành riêng cho người dùng Trung Quốc. Một năm sau, với khát vọng đưa “đứa con tinh thần” ra thế giới, Zhang tiếp tục ra mắt phiên bản quốc tế với tên gọi TikTok. 

TikTok hầu như không mang gì mới vào mạng xã hội. Nó chỉ tập hợp các tính năng mới nhất và được thế hệ trẻ yêu thích như dễ dàng theo dõi người tạo ảnh hưởng (influencer) qua nguồn dữ liệu người dùng như Instagram, cập nhật các xu hướng mới qua hashtag như Twitter, hiệu ứng từ các trò chơi, giản tiện quy trình sản xuất video với chi phí thấp nhất và dễ dàng nhất.

Sự kết hợp mới này đã thu hút rất nhiều người dùng ở phương Tây, chỉ sau 3 tháng đã có trên dưới 30 triệu tài khoản đăng ký mới. Chỉ trong vòng 2 năm, TikTok đã trở thành đối thủ đáng gờm của các ông lớn như Youtube, Facebook, Netflix và Snapchat với hơn 1 tỷ lượt tải xuống tại 150 nước. Theo số liệu của SensorTower, TikTok là ứng dụng phi trò chơi số 1 ở Mỹ trong tháng 1/2019. 

Trào lưu TikTok mùa

TikTok cập nhật xu hướng mới thông qua hashtag #onhavanvui

Những kết quả ấn tượng này đã đưa TikTok trở thành ứng dụng khiến các “ông lớn” như Facebook, Youtube,… cũng phải e ngại.

Việc TikTok trở thành một ứng dụng ngôi sao toàn cầu không phải là chuyện xảy ra sau một đêm. Byte Dance đã phải trải qua một quá trình thử nghiệm lâu dài cũng như những sai sót trước khi “thâm nhập” được vào thị trường nước ngoài.

TikTok sử dụng công nghệ AI của công ty theo nhiều cách khác nhau, từ nhận dạng khuôn mặt, hiệu ứng bộ lọc cho đến đề xuất video trong mục For you. Sự phát triển nhanh chóng của TikTok là nhờ những thương vụ M&A như mua lại Flipagram của Mỹ hay ứng dụng musical.ly nổi tiếng, TopBuzz, Babe. Các thương vụ này giúp công ty rút ngắn thời gian, giảm chi phí để khai phá thị trường mới và hòa nhập với các nền văn hóa khác.

Tầm nhìn và kế hoạch tương lai

Số liệu SensorTower

TikTok xếp số 1 các ứng dụng phải trò chơi ở Mỹ tháng 1/2019

Ngoài TikTok, ByteDance cũng tham vọng lấn sân sang mảng tìm kiếm. Lúc bấy giờ, khi Google chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc, Baidu thay thế Google trở thành số 1 trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet. Nhưng giờ đây, Baidu đang đứng trước mối đe dọa đáng ngại nhất. 

Ngoài ra, ByteDance cũng nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực tiềm năng khác. Năm 2019, công ty con của ByteDance cho ra mắt công cụ học nhóm Lark và chuẩn bị ra mắt dịch vụ stream nhạc mới cũng như phát triển dòng smartphone của riêng mình. 

Các nhà phân tích cho rằng việc dựa vào quảng cáo có thể sẽ gặp khó khăn trong thời kỳ suy thoái toàn Trung Quốc nên buộc ByteDance phải đa dạng hóa nguồn doanh thu thông qua mở rộng thị trường sang các nước ngoài Trung Quốc, đồng thời phát triển ý tưởng mới tại thị trường nội địa như smartphone, giáo dục trực tuyến,… Tuy nhiên, các lĩnh vực này hầu như đều đã được các ông lớn đi trước thực hiện, chặng đường phía trước của ByteDance có lẽ sẽ còn nhiều trở ngại.

Giao diện trang tìm kiếm của ByteDance

ByteDance muốn vượt mặt Baidu để trở thành trang tìm kiếm nhiều nhất

Bên cạnh các lĩnh vực phi trò chơi, ByteDance lại tiếp tục tham vọng chiếm ngôi vương của Tencent trong làng game. Vài tháng đầu năm 2020, ByteDance lặng lẽ thu mua lại các studio và bản quyền phân phối các tựa game. Thông qua các ứng dụng Douyin, Toutiao với lượng người dùng lớn, ByteDance có thể dễ dàng tiếp cận và thu hút người chơi cũng như phân phối game. 

Thị trường game ở Trung Quốc vẫn đang do Tencent thống trị và đối thủ kế đó là NetEase ở khoảng cách khá xa, nhưng ByteDance hoàn toàn có thể đảo lộn tình thế khi công ty này đã làm nên kỳ tích khi sống sót ở ngoài quỹ đạo của Alibaba và Tencent.

Mặc dù khát vọng của ByteDance rất lớn khi muốn vươn lên soán ngôi của hai ông lớn Internet là Alibaba và Tencent, nhưng thách thức đặt ra cho ByteDance là không nhỏ. Tencent là công ty lão làng trong lĩnh vực game, sở hữu 3 tựa game nổi tiếng nhất thế giới, cùng hệ sinh thái lớn trên WeChat. 

Tencent games

Tencent đang thống trị làng game ở Trung Quốc

Sẽ không thể tự xưng là người khổng lồ trong làng Internet nếu ByteDance không góp mặt trong làng game. Bởi năm 2019, có đến 72% chỉ tiêu tiêu dùng của thiết bị di động đổ vào game và thị trường này đang rất khốc liệt. Và ByteDance có lợi thế về lượng lớn người dùng từ ứng dụng “gây bão” Douyin và TikTok.

Mọi thứ đối với ByteDance mới đang là bước khởi đầu. Cần thêm thời gian nữa mới rõ sự thành công của công ty này nằm ở mức nào. Zhang Yiming quả là rất xuất sắc khi sở hữu một tầm nhìn rộng và tham vọng không hề nhỏ.

Ham muốn “động tay” vào đa dạng lĩnh vực của ByteDance khiến tôi nhớ đến một tập đoàn lớn của Việt Nam – Vingroup. Cả hai tập đoàn này đều mong muốn có một vị thế ở những nơi mà họ nhúng tay vào. Nếu ByteDance sở hữu mạng xã hội TikTok, công cụ tìm kiếm, hãng điện thoại của riêng, game,… thì Vingroup nắm trong tay chuỗi siêu thị Vinmart, ô tô Vinfast, điện thoại Vsmart,… Tuy nhiên, tập đoàn Vingroup chỉ được định giá khoảng 16 tỷ USD năm 2019 trong khi ByteDance – công ty startup có giá trị nhất thế giới được định giá là 75 tỷ USD năm 2019.

Đại dịch COVID-19 vẫn đang giữ chân mọi người trong nhà, vì thế TikTok được dịp tăng thêm khá nhiều lượt tải về để giải trí và tăng sự tương tác với mọi người. Bạn có đang xài TikTok không, hãy để lại ý kiến bên dưới cho chúng mình cùng biết nhé.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.